Điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp cho đến nay vẫn chưa có thuốc hiệu quả nhằm điều trị khỏi hoàn toàn. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, là nguyên nhân làm cho người bệnh bị giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau và làm chậm tiến triển của bệnh. Các phương thức điều trị bao gồm nội khoa (dùng thuốc, không dùng thuốc) và ngoại khoa (phục hồi và thay khớp).

1. Những đặc điểm chủ yếu của điều trị nội khoa không dùng thuốc


Biện pháp chung: Tránh cho khớp bị quá tải bởi lực đè quá mức bằng giảm cân, và giảm các vận động chịu tải như mang xách nặng, ngồi xếp bằng, quỳ gối, chạy nhảy, ngồi xuống đứng lên, ngồi xổm. Người bệnh cần điều chỉnh cách sống phù hợp, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít chịu tải trọng, tìm các biện pháp cho người bệnh thích nghi với điều kiện làm việc, với sự trợ giúp của tổ chức y tế qua việc giáo dục, phổ biến kiến thức về bệnh thoái hóa khớp. 

Vật lý trị liệu: Bao gồm các biện pháp massage, kích thích cơ, châm cứu, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng như hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, nhiệt... có tác dụng giảm đau, có thể giúp điều chỉnh tư thế xấu, duy trì dinh dưỡng cơ và các mô cạnh khớp, giúp cải thiện chức năng vận động của khớp.

Dụng cụ chỉnh hình khớp: Mang nẹp khớp giúp giữ vững trục khớp và giảm đau. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể đi nạng 1 hoặc 2 bên.

Những điểm cần lưu ý khi điều trị nội khoa dùng thuốc.


Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein. Đây là sự lựa chọn đầu tiên để sử dụng lâu dài, nếu có hiệu quả.

Khi không hiệu quả, có thể phối hợp thêm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) toàn thân (uống hoặc tiêm), hoặc bôi tại chỗ. Tuy nhiên sự lạm dụng thuốc này sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ tai hại như đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy sử dụng loại thuốc gì, khi nào, bao lâu, liều lượng ra sao... nên cần có chỉ định của thầy thuốc, tùy thuộc vào cơ địa, độ nặng của bệnh, bệnh lý kèm theo và hoàn cảnh kinh tế của người bệnh. Các thuốc này khi dùng dài ngày, thường được khuyến cáo dùng kèm một loại thuốc bảo vệ dạ dày (thuốc ức chế bơm proton hoặc misoprostol).

Chích vào khớp là một biện pháp điều trị đặc biệt, do bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định, thực hiện và theo dõi tại những cơ sở y tế có đủ điều kiện kỹ thuật. Chích corticosteroid được chỉ định trong trường hợp viêm, tràn dịch khớp nặng, lưu ý phươg pháp này không sử dụng trong những trường hợp khớp bị thoái hóa nặng. Chích hyaluronic acid được chỉ định trong thay thế dịch khớp để bôi trơn và làm giảm đau, điều trị bảo tồn trong lúc chờ đợi thay khớp.

Thuốc làm chậm tiến triển của bệnh (slow-acting drugs for osteoarthritis hay SADOA) bao gồm hyaluronic acid, D-glucosamine sulphate, chondroitin sulphate, và diacerein. Hiệu quả của các thuốc này chưa rõ ràng, và hướng dẫn điều trị của Hội Thấp khớp Mỹ ACR 2012 đã khuyến cáo không sử dụng hyaluronic acid, D-glucosamine sulphate, chondroitin sulphate trong điều trị thoái khớp.
Nhóm thuốc chế phẩm sinh học ức chế TNF-α và enzyme kháng viêm interleukin IL-4, IL-10, IL-13, TNF-β có tiềm năng làm chậm được tiến triển của bệnh, nhưng còn đang trong vòng nghiên cứu.

2. Điều trị ngoại khoa


Điều trị ngoại khoa chỉ có chỉ định khi triệu chứng lâm sàng không cải thiện với điều trị nội khoa tích cực. Mục đích để sửa chữa các biến dạng của khớp, làm cứng khớp ở tư thế cơ năng, giải ép hoặc cắt bỏ những gai xương khi gai ở một số vị trí đặc biệt, chèn ép vào các bộ phận xung quanh (thần kinh hoặc tủy sống ...). Thay khớp nhân tạo khi khớp bị hư hại nặng, mất chức năng vận động.

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng xem thêm tại bệnh viện FV