Có nên lạm dụng thay khớp gối nhân tạo?

Ai cũng biết việc thay khớp gối giúp bệnh nhân hư khớp phục hồi vận động và đi lại sinh hoạt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiểu biết của nhiều người về phương pháp này còn chưa đầy đủ và chính xác. 

 Để khỏi thay khớp gối 2 lần, không nên làm phẫu thuật này quá sớm vì tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ được 10-15 năm. Và ca mổ não cũng có nguy cơ biến chứng.


Bác sĩ Phạm Chi Lăng, khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Pháp Việt TP HCM, cho biết, thay khớp gối chỉ được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương, hoặc sụn bị mòn, hoặc một bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp. Sự ăn mòn có thể trên toàn bộ hoặc một phần của khớp (thường nhất là bên trong), gây ra triệu chứng đau cả khớp gối khi đi và có thể dẫn đến cứng khớp gối. Cả hai triệu chứng này gây trở ngại cho sự đi đứng của bệnh nhân. Mục đích của phẫu thuật là lấy đi những mặt sụn bị hư và thay thế vào một khớp gối nhân tạo.

thay khớp gối

Kết quả mong muốn của việc thay khớp gối là trả lại một chức năng vận động bình thường trong sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân. Điều này không có nghĩa là bệnh nhân sẽ chơi những môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh và làm việc nặng như khi còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể lên xuống cầu thang, chơi và hoạt động thể thao nhẹ như xe đạp, khiêu vũ… Việc phục hồi khả năng vận động sau mổ cũng phụ thuộc quá trình tập luyện phục hồi chức năng một cách bài bản của bệnh nhân.

Bác sĩ Chi Lăng cho rằng, người bệnh cần thận trọng trước khi quyết định thay khớp gối nhân tạo. Trên thực tế, không ít bệnh nhân bị biến chứng sau khi thay khớp gối, đôi khi dẫn đến kiện tụng, mà một trong các nguyên nhân là người bệnh không nắm rõ về phương pháp phẫu thuật cao cấp này. "Bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng có biến chứng. Không một cơ sở y tế nào dám đảm bảo 100% những ca mổ được thực hiện thành công. Phẫu thuật thay khớp gối cũng vậy, luôn luôn có những tỷ lệ rủi ro, dù là rất thấp, chẳng hạn như nhiễm trùng, hoại tử da, bong khớp gối… và dẫn đến hậu quả là bệnh nhân không đi được" - bác sĩ Lăng nói.

Không nên lạm dụng việc thay khớp gối khi mức độ đau và biến dạng chưa quá trầm trọng, vì tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ khoảng 10-15 năm. Để tránh tình trạng thay khớp gối lần 2 ở những người trẻ tuổi có nhiều nguy cơ hỏng khớp nhân tạo sớm do hoạt động nhiều và thời gian sống còn dài, chỉ nên thay khớp ở tuổi 40 trở lên. Tất nhiên, trong trường hợp bệnh quá nặng thì bệnh nhân buộc lòng phải thay khớp mới có để có thể đi lại được. Người được mổ thay khớp gối phải là người có sức khỏe tương đối tốt, không có bệnh mãn tính nặng như đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi mãn tính, tăng huyết áp không ổn định, xơ gan…