Tổng quan về phẫu thuật thay khớp gối

Mặc dù kỹ thuật thay khớp gối đã được các chuyên gia y tế nước ta thực hiện rất thành công, được giới chuyên môn đánh giá cao, song trong những năm qua, Việt Nam cũng mới chỉ thực hiện được hơn 30 trường hợp.

Về vấn đề này, bác sỹ ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình giải thích rằng: Cấu tạo của khớp gối không đơn giản, hằng ngày phải chịu một sức nặng rất lớn của cơ thể. Nó gồm có 3 xương tiếp xúc với nhau (bánh chè, xương đùi và xương chày). Muốn thay các bộ phận này phải cắt bỏ nó. Hơn nữa, khi thay khớp gối, kỹ thuật đòi hỏi rất tỉ mỉ, chính xác, chỉ lệch một chút thôi cũng sẽ thất bại.

Phẫu thuật thay khớp gối được đặt ra trong trường hợp gối bị hư hỏng do bệnh lý không thể duy trì chức năng vận động được nữa. Đặc biệt, trong thoái hóa khớp gối (ở thể nặng, nó phá hủy toàn bộ xương làm khớp bị biến dạng) đã điều trị từ 3 đến 4 năm nhưng không kết quả. Điều này được đánh giá bằng biên độ vận động khớp gối: hạn chế cử động, co duỗi, đi lại khó khăn phải dùng hai nạng; đánh giá bằng chụp phim X quang kiểm tra khoảng cách giữa mâm chày và lồi cầu đùi bị thu hẹp dần, mất hết lớp sụn khớp... Lúc đó, bệnh nhân sẽ không còn đi lại được nữa và cơn đau kéo dài suốt ngày đêm. Ngoài ra, một số di chứng của chấn thương ở khớp gối khiến bệnh nhân bị đau kéo dài không thể đi lại được cũng có thể được chỉ định thay khớp.

Về phương pháp thay khớp gối, bác sỹ ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình nêu lên hai phương pháp thay: một là thay toàn phần (thay lồi cầu đùi và thay mâm chày). Hiện nước ta đang áp dụng theo phương pháp này. Phương pháp thứ hai là thay từng phần. Nghĩa là hỏng đâu thay đấy. Ví dụ, mâm chày trong hỏng sẽ thay mâm chày trong hoặc mâm chày ngoài hỏng thì thay mâm chày ngoài... Phương pháp này hoàn toàn mới, chúng ta chưa thực hiện được vì giá thành rất cao, công tác chuẩn bị rất phức tạp, người ta phải tính toán, đo kích thước cực kỳ chính xác thiết kế trên máy vi tính rồi mới đặt hàng để sản xuất.

Mổ thay khớp gối bằng khớp nhân tạo là một kỹ thuật tiên tiến, giúp bệnh nhân phục hồi gần như bình thường chức năng vận động. Đây cũng là một trong những phẫu thuật lớn trong phẫu thuật tạo hình để mang lại chức năng vận động bình thường của cơ thể, đòi hỏi phải là bác sĩ chuyên khoa sâu mới có thể đảm nhiệm được.

Mỗi một khớp gối nhân tạo chỉ tồn tại trong vòng 20-25 năm. Vì vậy, chỉ nên thay khớp ở tuổi 40 trở lên. Tất nhiên, cũng có những trường hợp bệnh quá nặng, chỉ còn cách thay mới có thể bảo đảm chức năng vận động của khớp gối, có thể đi lại được. Người được mổ thay khớp gối phải là người có sức khỏe tương đối tốt, không có bệnh mạn tính nặng như: đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp không ổn định, xơ gan...; và phải là người giàu nghị lực vì sau khi thay, quá trình tập luyện phục hồi chức năng một cách bài bản sẽ giúp cho khả năng bình phục nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối rất lớn, nhưng những ca mổ được thực hiện chưa nhiều do điều kiện kinh tế chưa cho phép. Chi phí tối thiểu cho mỗi ca lên đến 40 triệu đồng. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối là người lao động, có thu nhập thấp.