Một số loại khớp háng nhân tạo



Một trong những lo lắng của bệnh nhân và gia đình người bệnh khi được chỉ định thay khớp háng toàn phần đó là việc lựa chọn loại khớp háng nào cho phù hợp.Về cơ bản, lựa chọn loại khớp háng nào cho bệnh nhân là do bác sỹ phẫu thuật quyết định căn cứ dựa trên các yếu tố tuổi, chất lượng xương, cấu trúc giải phẫu, loại tổn thương,... và trong đó có cả yếu tố về khả năng tài chính của gia đình bệnh nhân cũng như sự chi trả của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc hiểu biết rõ về các loại khớp háng cũng là 1 sự cần thiết để có thể giúp bệnh nhân yên tâm phối hợp điều trị cũng như thăm khám theo dõi sau phẫu thuật. Bài viết này xin giới thiệu sơ lược các loại khớp háng hiện tại đang sử dụng phổ biến tại nước ta.

Có thể phân chia các loại khớp háng nhân tạo theo 4 tiêu chí dưới đây:

Khớp háng toàn phần hay bán phần

Khớp háng bình thường gồm hai phần là: chỏm xương đùi và hõm khớp háng nằm trong xương chậu (còn gọi là ổ cối). Khi phẫu thuật chỉ thay phần chỏm xương đùi thì được gọi là thay khớp háng bán phần còn khi thay cả chỏm xương đùi và ổ cối thì được gọi là thay khớp háng toàn bộ. Những giai đoạn đầu, việc thay chỏm xương đùi chỉ gồm chỏm nhân tạo gắn liền với chuôi khớp nên sự linh động không cao, các thế hệ hiện nay, khớp háng bán phần gồm nhiều phần cấu trúc (module) liên kết với nhau, cho phép vận động linh hoạt hơn (khớp Bipolar).

Khớp háng có xi măng hay không có xi măng

Việc liên kết giữa khớp nhân tạo và xương bệnh nhân ở những thế hệ khớp ban đầu là xi măng sinh học. Bên cạnh việc cải tiến chất lượng xi măng  thì phát minh ra các thế hệ khớp không xi măng với cấu trúc đặc biệt của bề mặt giúp tạo sự liên kết chặt giữa xương bệnh nhân và khớp nhân tạo nhờ sự phát triển của xương bệnh nhân bao quanh khớp nhân tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau quanh việc sử dụng xi măng hoặc không xi măng mà thậm chí còn tạo thành trường phái ở một số khu vực khác nhau. Trong đó, việc sử dụng khớp không xi măng có vẻ hạn chế hơn ở những bệnh nhân có chất lượng xương thấp với chỉ số mật độ xương thấp, thường gặp ở nhóm bệnh nhân cao tuổi.

Khớp háng bằng nhựa, kim loại hay gốm (ceramic)

Các cải tiến về chất liệu của chỏm nhân tạo và lớp lót của hõm khớp vẫn diễn ra luôn luôn nhằm mục đích nâng cao tuổi thọ của khớp. Những thế hệ đầu tiên với chỏm kim loại và hõm khớp nhựa có khả năng chống mài mòn thấp nên tuổi thọ ngắn. Ngày nay, chất lượng nhựa và kim loại liên tục được cải tiến giúp khả năng chống mài mòn tăng cao, bên cạnh đó còn là việc sử dụng những vật liệu có khả năng chống mài mòn cao như gốm (ceramic) làm tăng tuổi thọ của khớp nhân tạo lên rất nhiều. Với khớp háng nhân tạo có lớp lót gốm thì cả chỏm khớp và lớp lót hõm khớp đều bằng gốm. Có những giai đoạn, ý tưởng về việc sử dụng lớp lót hõm khớp và chỏm khớp đều bằng kim loại để tăng khả năng chống mài mòn, tuy nhiên những theo dõi cho thấy có sự tăng lượng ion kim loại trong máu bệnh nhân do giải phóng từ diện tiếp xúc của khớp nhân tạo, điều này không có lợi cho sức khỏe bệnh nhân nên hiện nay gần như không còn sử dụng.

Khớp háng với đường kính chỏm nhân tạo khác nhau

Đường kính của chỏm nhân tạo khớp háng toàn phần những thế hệ ban đầu là 22,5mm. Đường kính của chỏm nhân tạo liên quan đến 2 yếu tố: khả năng trật khớp nhân tạo và sự mài mòn hõm khớp. Nếu chỏm nhân tạo nhỏ thì diện tiếp xúc thấp nên sự mài mòn ít nhưng khả năng trật khớp nhân tạo cao và ngược lại, chỏm nhân tạo lớn thì diện tiếp xúc nhiều, sự mài mòn nhiều nhưng khả năng chống trật cao hơn. Hiện nay, với sự cải tiến về vật liệu giúp tăng khả năng chống mài mòn thì xu thế sử dụng các loại chỏm có đường kính lớn phổ biến hơn với hai loại chỏm có đường kính 28mm và 32mm là phổ biến nhất, ngoài ra có thể có chỏm đường kính 36mm. Tuy nhiên, việc sử dụng chỏm có đường kính bao nhiêu còn phụ thuộc vào yếu tố giải phẫu mà cụ thể là đường kính của ổ cối bệnh nhân. 

Như vậy, với sự xem xét các loại khớp háng nhân tạo theo 4 tiêu chí trên có thể bao hàm tất cả các loại khớp háng nhân tạo hiện đang sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng loại khớp nào do bác sỹ phẫu thuật quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Có những trường hợp bệnh nhân có thể có nhiều sự lựa chọn về khớp, nhưng có những trường hợp sự lựa chọn sẽ hạn chế hơn.

Sưu tầm bởi benh vien fv