Cần biết về điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh lý diễn tiến theo thời gian cùng với sự lão hóa , điều mà không ai có thể tránh khỏi. 
 Xã hội không ngừng phát triển thì tuổi thọ của con người cũng ngày một được nâng cao. Điều này đồng nghĩa với việc: số người trung niên và lớn tuổi ngày một chiếm tỉ lệ lớn. Khi đó, các bệnh lý cơ xương khớp sẽ không chỉ là vấn đề nan giải đối với riêng ngành y mà còn là mối lo của toàn xã hội. Vì bệnh không chỉ gây đau đớn, biến dạng chi khiến sinh hoạt, đi lại khó khăn mà còn có thể gây tàn phế, làm giảm chất lượng sống của bản thân bệnh nhân và cả gia đình.
Việc chẩn đoán thoái hóa khớp hoàn toàn không khó, cái khó chính là làm sao cho bệnh nhân hiểu và sống chung một cách “hòa bình”, yên ổn với thoái hóa khớp. Một số bệnh nhân thường có xu hướng chủ quan, lơ là không quan tâm. Số khác lại lo lắng quá mức và luôn đi tìm các loại thuốc với mong muốn làm cho tình trạng thoái hóa này “biến mất” vĩnh viễn. Cả hai đều không phải là cách tốt nhất để ứng phó với thoái hóa khớp. Nếu bỏ mặc đến đâu hay đến đó, quá trình thoái hóa khớp sẽ ngày một tăng tốc khiến cho bệnh trở nên nặng hơn. Và cũng rất tiếc là cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp điều trị hữu hiệu nào nhằm ngăn chặn hoàn toàn tình trạng thoái hóa khớp mà chỉ có thể làm chậm lại quá trình này.
Cho đến hiện tại, mục tiêu của việc điều trị là làm sao cho bệnh nhân thoái hóa khớp không đau khi sinh hoạt hằng ngày. Và lý tưởng nhất, là làm thế nào để khớp được phục hồi, đặc biệt là lớp mô sụn – thành phần quan trọng của khớp. Tuy nhiên, việc này cho đến hôm nay vẫn là niềm mơ ước đối với ngành y.
Biện pháp điều trị thoái hóa khớp phải bao gồm chế độ luyện tập và thuốc men. Trong biện pháp thuốc có cả thuốc kháng viêm giảm đau non-steroid, steroid và bổ sung các dưỡng chất cho khớp. Dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời mà không thể làm hồi phục lớp sụn bị thoái hóa. Thuốc cũng sẽ khó cho tác dụng nếu sụn đã hư nhiều. Hơn nữa, nếu sử dụng lâu dài sẽ có khả năng gây loét dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng thận…

Y học cũng đã tìm ra và áp dụng nhiều loại dưỡng chất đặc biệt để áp dụng vào quá trình ngăn ngừa và điều trị thoái hóa khớp. Ví dụ như: Glucosamine đã được đưa vào hỗ trợ điều trị nhưng tính hiệu quả còn nhiều tranh cãi, và các nghiên cứu khoa học cho kết quả đôi khi trái ngược nhau.
Trong sụn, người ta nhận thấy có chứa rất nhiều thành phần chất Collagen Type 2 (chiếm 90% chất collagen trong sụn) nên đã nghiên cứu để cung cấp dưỡng chất này cho khớp. Hiệu quả của bổ sung Collagen Type II, đặc biệt là Collagen Type II không biến tính (UC-II) trong việc hỗ trợ điều trị viêm đa khớp dạng thấp cũng như thoái hóa khớp đã được chứng minh.
Một nghiên cứu của tác giả David C. Crowley và cộng sự tiến hành tại Mỹ, Canada đã cho thấy Collagen Type II không biến tính mang lại kết quả tốt hơn hẳn so với phương pháp dùng Glucosamine trên bệnh nhân thoái hóa khớp sau 30, 60 và 90 ngày sử dụng.
Bên cạnh đó, người bị thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt: hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng, tránh vận động quá mức mà không cho khớp nghỉ ngơi. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao quá mạnh…
Chế độ ăn nhiều rau quả, đủ năng lượng (đạm, tinh bột…), vừa đủ chất béo (ưu tiên dầu thực vật nhiều omega3) cũng giúp cung cấp dinh dưỡng cho sức khỏe của khớp xương. Người bệnh cần tránh ăn quá mặn, quá ngọt, tránh rượu bia và chất kích thích thần kinh vì chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị.
Về vận động, nguyên tắc đáng nhớ nhất đối với người bị thoái hóa khớp là: ít nhưng thường xuyên. Hoạt động nhiều quá sẽ làm đau các khớp nhưng ít quá khiến khớp xơ, cứng. Nên tập 10 phút/ lần, 30 phút/ngày, 5 buổi/tuần và không tập quá sức.