Những nguyên tắc cơ bản trong điều trị thoái hóa khớp

Hiện nay việc điều trị thoái hóa khớp không còn hạn chế và khó khăn như trước đây, có nhiều phương pháp hiệu quả đã được áp dụng phổ biến, giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Một số xu hướng điều trị hiện nay 
Điều trị không dùng thuốc: Thường chỉ định cho bệnh nhẹ, sử dụng những phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng hoặc chiếu đèn hồng ngoại, hoặc máy phát sóng ngắn, máy siêu âm. Xung điện giảm đau cũng có tác dụng rất tốt. Để bảo đảm hiệu quả và tránh tai biến khi thực hiện, cần có ý kiến bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra, trong giai đoạn thuyên giảm đau, liệu pháp vận động cũng có tác dụng rất tốt. Còn lúc đau nhiều thì nên nghỉ ngơi để khớp không phải hoạt động nhiều.
Điều trị dùng thuốc: Khi những biện pháp trên không đạt kết quả như ý, bác sĩ cho dùng thêm thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc giãn cơ. Những thuốc này thường có tác dụng phụ trên dạ dày, có nguy cơ gây viêm loét, xuất huyết hoặc thủng dạ dày nhất là đối với người cao tuổi, vì vậy phải hết sức chú ý.
2. Những chú ý trong điều trị thoái hóa khớp
Trong đợt cấp: Đối với thoái hoá khớp chủ yếu là vận động liệu pháp, nhưng trong các đợt cấp phải nằm bất động trong suốt thời gian bệnh cấp tính. Sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau, tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ của thuốc với nguy cơ gây loét dạ dày hoặc đau đầu, chóng mặt. Tiêm vào vùng đau khi cần thiết có thể làm giảm cơn đau, nhưng cần được vô khuẩn tốt để tránh viêm khớp mủ và không nên tiêm nhiều lần vào trong khớp.

Lý liệu pháp: Trong các đợt cấp nếu chườm nóng sẽ làm đau tăng lên. Vì vậy hãy chườm lạnh, có khi đắp nước đá làm giảm đau khớp nhất là khi có viêm nặng. Chú ý: trong đợt cấp, khi có suy tim hoặc có bệnh mạch vành, không nên điều trị bằng tắm ngâm. Các suối nước nóng không thích hợp với người già thể trạng kém.
Đau kinh diễn: Nếu đau kinh diễn do thoái hoá khớp, chỉ nên dùng thuốc khi đau kéo dài, các thuốc phải tránh tác dụng phụ. Nếu bệnh nhân không có loét, viêm dạ dày có thể dùng phối hợp aspirin với indometacin. Có thể dùng các thuốc tác động tâm thần nhất là các thuốc chống trầm cảm. Trong thoái hoá khớp cổ có thể dùng quang tuyến liệu pháp cũng làm bệnh nhân bớt đau.
Lý liệu pháp: có tác dụng tốt đối với thoái hoá khớp chung, nhất là với thoái hoá cột sống. Có thể dùng sóng ngắn, điều trị điện châm, tắm đắp bùn hoặc paraphin. Nếu điều kiện cho phép thì phối hợp với vận động liệu pháp.
Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp: Những năm gần đây, phẫu thuật chỉnh hình đã có những tiến bộ rất lớn, có thể thay hẳn khớp bằng khớp nhân tạo. Khớp nhân tạo phổ biến hiện nay là khớp háng, khớp gối, tiếp theo sau là khớp vai, khớp cổ chân, ngón tay, khuỷu. Đa phần các loại khớp làm bằng chất liệu hợp kim, một số thành phần làm bằng sứ, polyethylen. Ở nước ta, thay khớp gối và khớp háng đã trở nên phổ biến ở nhiều trung tâm, bệnh viện trong cả nước. Chỉ định mổ thay khớp chỉ đặt ra khi bệnh nhân quá đau đớn mỗi khi cử động khớp bị hư do một nguyên nhân nào đó như ở khớp háng: có thể hay gặp là tình trạng hoại tử chỏm xương đùi ở người trẻ, hoặc gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi do khả năng lành xương kém; thoái hóa khớp háng do nguyên nhân chấn thương hay tuổi tác với mặt sụn khớp bị hư hoàn toàn. Đối với khớp gối là di chứng của chấn thương làm hư mặt sụn, tình trạng thoái hoá khớp gối ở người cao tuổi. Một số bệnh lý như viêm đa khớp dạng thấp làm huỷ hoại mau chóng mặt sụn khớp. Phẫu thuật thay khớp sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau, tự đi lại được, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thay khớp nhân tạo cũng có những nguy cơ tiềm ẩn như: nhiễm khuẩn trong và sau mổ, tuổi thọ của khớp nhân tạo chỉ được 10 – 15 năm. Có khoảng 12% những người được thay khớp lần đầu sẽ phải thay lại lần hai hay ba do lỏng khớp, hư khớp, nhiễm khuẩn hay bị gãy xương quanh khớp. Các nguy cơ phẫu thuật cũng tăng lên 2-3 lần ở cuộc mổ lần sau. Do vậy thay khớp nhân tạo là biện pháp cuối cùng sau khi mọi phương pháp điều trị khác không còn có tác dụng. Nếu bệnh nhân còn chấp nhận được đau thì sẽ không có chỉ định thay, hay nói đúng hơn chỉ định thay khớp chủ yếu dựa trên triệu chứng đau của bệnh nhân chứ không dựa trên mức độ hư của khớp nên người quyết định thay khớp hay không chính là bệnh nhân.