Điều trị gãy xương cẳng tay

Nguyên tắc điều trị trước hết trong sơ cứu là bất động ổ gãy, giảm đau. Khi điều trị thực thụ, các nguyên tắc là nắn - bất động hai xương -  tập vận động. Có 2 phương pháp điều trị, đó là điều trị không mổ và điều trị bằng phẫu thuật. Chúng ta hãy cùng tham khảo các phương pháp điều trị trong chấnthương chỉnh hình.

1. Điều trị không mổ
Đối với trường hợp ít di lệch hoặc di lệch không hoàn toàn, bác sĩ sẽ nắn nhẹ nhàng theo trục chi, sau đó bó bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc. Trẻ em thời gian bó bột là 6-8 tuần, người lớn 10-12 tuần.
Đối với trường hợp gãy di lệch, áp dụng gãy 1/3 dưới cẳng tay, trước hết, bệnh nhân sẽ được tiến hành gây vô cảm. Trẻ em sẽ phải nhịn ăn 6 giờ và sau đó gây mê tĩnh mạch. Đặt bệnh nhân nằm ngửa, vai dạng 90 độ, khuỷu gấp 90 độ, lắp đai vải ở 1/3 dưới cánh tay kéo ngược lên đầu. Phụ tá sẽ một tay nắm ngón cái kéo theo trục của xương quay, lực kéo này là chính. Tay kia nắm ngón 2,3,4 kéo về phía trụ. Bác sĩ chính sẽ chữa di lệch và tách rộng màng gian cốt bằng cách bóp vào giữa hai xương cẳng tay.

Đặt 2 nẹp bột trước - sau cẳng tay, trên nẹp đặt 2 đũa gỗ to 1cm, dài 10cm đặt tương ứng màng liên cốt. Khi bột ép nhẹ, 2 đũa gần nhau để mở rộng màng liên cốt. Sau đó, bó bột cánh cẳng bàn tay rạch dọc, khuỷu 90 độ, để trong 12-13 tuần.
Khi gãy hai xương cẳng tay, do sự co kéo của các nhóm cơ đối lực và do tác động của màng liên cốt nên sự di lệch thường phức tạp và khó nắn chỉnh. Phương pháp điều trị bảo tồn bằng nắn chỉnh bó bột là phương pháp đơn giản dễ thực hiện, được áp dụng khá phổ biến ở Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gặp các biến chứng liền xương lệch, làm mất độ cong sinh lý của xương quay, hẹp màng liên cốt, thay đổi trục xương dẫn đến hạn chế sấp, ngửa cẳng tay, thời gian bất động lâu nên hay gặp các biến chứng teo cơ, cứng khớp hạn chế vận động và tỷ lệ phục hổi chức năng kém hơn các phương pháp khác.

 2. Điều trị bằng phẫu thuật
Chỉ định chung là gãy cao hai xương cẳng tay di lệch, (1/3 trên, 1/3 giữa), gãy có biến chứng và khi điều trị không mổ không có kết quả. Các phương pháp điều trị:
Đinh nội tuỷ
Phương pháp này được chỉ định với các trường hợp gãy 2 tầng, tình trạng da kém (bỏng), đã dùng nẹp nhưng bị hỏng, xương không liền, có thêm nhiều thương tổn khác, gãy thân xương ở bệnh nhân nghèo chất xương và gãy kèm theo mất phần mềm nhiều. Chống chỉ định với tình trạng viêm, ống tuỷ quá hẹp, sụn đầu xương chưa kín.

Ưu điểm: của phương pháp này là ít ảnh hưởng tới màng xương, sẹo mổ nhỏ, can vững, to và chắc, lấy đinh không sợ gãy lại.
Nhưng phương pháp này có nhược điểm là kết hợp xương thường không vững, đặc biệt khi sấp ngửa cẳng tay, vì vậy phải để bột tăng cường thêm 8-10 tuần. Đinh phải đủ to khoẻ để tránh di lệch. Tuy nhiên ngày nay đóng đinh kín có chốt ngang dưới màn tăng sáng khắc phục được các nhược điểm trên. Song nói chung phương pháp này không bằng phương pháp nẹp vít
Phương pháp nẹp vít
Đây hiện là phương pháp tốt nhất. Kỹ thuật viên sẽ thực hiện mổ theo đường Thompson: Đường nối chỏm quay và mỏm trâm quay, hoặc đường Henry: Từ rãnh nhị đầu ngoài vòng ra ngoài nếp khuỷu chạy dọc bờ ngoài cơ cánh tay quay đối với xương quay và dọc theo mào trụ đối với xương trụ. Vị trí đặt nẹp tốt nhất là 1/3 dưới xương quay, 1/4 trên xương quay, 1/3 trên xương trụ.
Có 2 cách đặt nẹp: Đặt lên màng xương không tách màng xương ra khỏi xương hoặc đặt dưới màng xương. Nếu mảnh rời to, sẽ đặt cố định với 1-2 vít ngoài nẹp, hoặc đặt luôn dưới nẹp vít. Nếu mảnh rời quá 1/3 thân xương thì sẽ ghép xương tự thân luôn. Bên cạnh đó, xương nào vững thì kết hợp xương trước, xương nào không vững thì kết hợp xương sau. Nếu cả hai xương đều gãy vững thì kết hợp xương quay trước.
Ưu điểm: Đây là phương pháp tốt nhất, kết hợp xương vững, tôn trọng các đoạn cong sinh lý của xương quay. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng sớm. Tháo nẹp sau 24 tháng.
3. Theo dõi, phục hồi chức năng sau điều trị

Nếu nắn tốt, bất động vững, xương sẽ liền sau 2 tháng. Bệnh nhân cần tập vận động thường xuyên sau thời gian bất động giúp phục hồi chức năng tốt, chú ý sấp ngửa cẳng tay đúng phương pháp. Sau thời gian bất động bằng bột ( 8-12 tuần, trẻ em 5-6 tuần) mà xương vẫn chưa liền vững, có thể bất động thêm 2-4 tuần. Nếu xương vẫn chưa liền có thể có hiện tượng chậm liền xương hay khớp giả. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ để được khám nghiệm kịp thời.